Thân thế Tư_Mã_Chiêu

Tư Mã Chiêu người huyện Ôn, quận Hà Nội (nay là huyện Ôn, tỉnh Hà Nam), là con trai thứ hai của đại thần phụ chính Tào NgụyTư Mã Ý, em của Tư Mã Sư, cháu nội Kinh Triệu doãn Tư Mã Phòng thời Đông Hán.

Có cha và anh là đại thần phụ chính trong triều đình, Tư Mã Chiêu nhanh chóng thăng tiến trên quan trường. Ông từng đảm nhận các chức vụ Lạc Dương Điển nông Trung lang tướng, Tán kị Thường thị, Chinh Thục tướng quân, Nghị lang, An tây tướng quân, cầm cờ tiết điều khiển các tướng ở Quan Trung, An Đông tướng quân trấn thủ Hứa Xương, Hành Chinh đông tướng quân sự trung lãnh quân trấn thủ Lạc Dương. Khoảng thời gian đó, ông được ban tước Tân Thành Hương hầu (新城鄉侯).

Năm 254, Tư Mã Sư thấy vua Ngụy Tào Phương định lật đổ bèn phế Tào Phương lập Tào Mao. Vì việc phế lập, Trấn đông tướng quân Vô Khâu Kiệm và Thứ sử Dương châu Văn Khâm bèn cùng các tướng lĩnh vùng Dương châu khởi binh đánh Tư Mã Sư, giương cờ phò tá nhà Tào Ngụy.

Vô Khâu Kiệm dâng biểu về Lạc Dương lên Tào Mao, kể 10 tội trạng của Tư Mã Sư và đề nghị Tào Mao dùng em ông là Tư Mã Chiêu thay thế làm phụ chính, nhằm phân hóa hàng ngũ họ Tư Mã. Nhưng Tư Mã Chiêu không bị lung lạc vì tờ biểu của Vô Khâu Kiệm, ra sức giúp anh dẹp lực lượng Thọ Xuân.[2]

Binh biến Thọ Xuân dẹp được không lâu thì Tư Mã Sư qua đời tại Hứa Xương. Khi đó Tư Mã Chiêu đang trấn thủ Lạc Dương nắm giữ hoàng đế Tào Mao, vội về Hứa Xương chịu tang anh. Tào Mao phong ông làm Vệ tướng quân, nhưng nghe tin Tư Mã Sư đã mất, Tào Mao muốn cắt bỏ quyền hành của ông nên đột ngột hạ chiếu sai ông hãy ở lại trấn thủ luôn Hứa Xương không cần về Lạc Dương, với danh nghĩa để phòng chống mặt đông nam vừa qua binh biến Thọ Xuân. Quân đội sẽ giao cho Thượng thư Phó Hỗ mang tới kinh đô.[3]

Nhưng Chung Hội và Phó Hỗ đứng về phía Tư Mã Chiêu, hai người bàn nhau để Phó Hỗ về triều tâu việc, mặt khác vẫn để Tư Mã Chiêu lãnh quân đội rầm rộ kéo về Lạc Dương. Tào Mao biết không thể ngăn cản Tư Mã Chiêu, đành phong ông làm Đại tướng quân kế tục cha và anh làm phụ chính.[4]